Diễn đàn Kỹ sư điều khiển tàu biển Việt Nam
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu

2 posters

Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu

Bài gửi by Bố già Thu Jul 01, 2010 12:45 pm

(VnExpress) - Quyết định tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được đưa ra khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty TNHH vì chưa kịp cổ phần hóa. Bản thân Vinashin cũng khó khăn tài chính.

Theo nghị quyết ngày 22/6 của Đảng ủy và Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), tập đoàn sẽ phải tái cơ cấu, chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Một cán bộ cấp cao của Vinashin cũng khẳng định với VnExpress.net, tái cơ cấu Vinashin thực chất là để tập đoàn này có thể tập trung vào các ngành nghề kinh doanh mũi nhọn như đóng, sửa chữa tàu thủy, phát triển vật tư thiết bị nhà máy thép và khu công nghiệp quanh các nhà máy đóng tàu. Vinashin sẽ chuyển giao lại cho Tổng công ty Hàng hải một số công ty con thuộc lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và một số khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Chuyển giao cho PVN một số lĩnh vực liên quan đến dầu khí.

Ông Nguyễn Văn Công, Chánh văn phòng Bộ giao thông Vận tải cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.

Nghị quyết được ký hôm 22/6, 3 ngày trước thời điểm Thủ tướng có quyết định chuyển công ty mẹ Vinashin thành Công ty TNHH một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009, báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy số nợ của Vinashin lên tới gần 19.900 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt 10,9 lần. Số nợ quá hạn của Vinashin xấp xỉ 3.900 tỷ đồng, chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu V1
Bộ giao thông Vận tải cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin. Ảnh: Vinashinship.
Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) xác nhận thông tin tiếp quản một số lĩnh vực của Vinashin. Theo bà Hòa, PVN cũng thu được nhiều lợi qua việc chuyển giao dự án. Bởi thực tế, có nhiều dự án PVN từng đề xuất nhưng không được. Tuy nhiên, khi đưa sang PVN, tập đoàn phải xem xét lại các dự án trước khi triển khai tiếp hay không.

Bà Hòa khẳng định việc tiếp nhận các dự án từ Vinashin không ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí. "Việc tiếp nhận một số dự án đóng tàu với PVN là thuận lợi chứ không phải khó khăn. Chúng tôi cũng bắt đầu đóng tàu nhưng mà đóng tàu dịch vụ và đóng giàn khoan. PVN cũng muốn mở rộng dịch vụ đóng tàu phục vụ ngành dầu khí", bà Hòa nói.


Bà Phan Thị Hòa, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho biết, các dự án của Vinashin chuyển về Tập đoàn Dầu khí gồm: Khu Công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương) bao gồm cả Công ty Công nghiệp tàu thủy Lai Vu; Khu Công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) bao gồm cả Ban Quản lý dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn; Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai); Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang); Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh ( Nam Định) và trong các dự án do Công ty làm chủ đầu tư.

Nguồn tin từ báo Tiền Phong cho hay, 7 đơn vị khác của Vinashin được điều chuyển về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh); Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng); Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang; Cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau); Công ty Vận tải Biển Đông; Công ty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin; Phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác. Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 và kết thúc quý 3 năm 2010.
Bố già
Bố già
Admin

Tổng số bài gửi : 2257
Điểm kinh nghiệm : 2916
Ngày tham gia : 18/03/2010
Nơi làm việc : Vietsovpetro
Đến từ : Hà Tĩnh

http://www.dieukhientaubien.net/

Về Đầu Trang Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Re: Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu

Bài gửi by thanguk Fri Jul 02, 2010 9:08 am

Bọn Vinashin này lẽ ra nên sập luôn cho rùi. Chẳng qua nó là con của ôn trời(nhà nước)nên còn hấp hối
thanguk
thanguk
Third Officer

Tổng số bài gửi : 164
Điểm kinh nghiệm : 181
Ngày tham gia : 20/03/2010
Nơi làm việc : MU IS No1
Đến từ : VENUS

Về Đầu Trang Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Vinashin đang nợ 80.000 tỷ đồng

Bài gửi by Bố già Sun Jul 11, 2010 9:45 pm

Chính phủ khẳng định không ưu ái Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và cho rằng hội đồng quản trị phải kiểm điểm rõ trách nhiệm, không thể chỉ nhận lỗi suông.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/7, vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) gây nóng hội trường. Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp Trung ương cho rằng dẫn đến tình trạng phải tái cơ cấu như ngày hôm nay, ngoài tình hình kinh tế khó khăn chung còn có nguyên nhân chủ quan bên trong Vinashin. Trong đó phải kể đến quá trình đầu tư dàn trải trong các dòng tiền ưu tiên. "Vinashin phải đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật, phải sử dụng tốt các vốn vay. Tập thể HĐQT Vinashin phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm rõ ràng để xử lý. Nếu Vinashin chỉ nhận lỗi suông thì không được", ông Muôn khẳng định.

Khi tái cơ cấu Vianshin, một số dự án sẽ chuyển về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo ông Muôn, khi chuyển về các đơn vị tiếp nhận, nhiều dự án sẽ mang lại hiệu kinh tế cao hơn. Tiêu biểu như Nhà máy đóng tàu Dung Quất đang làm kết cấu kim loại, giàn khoan. Hay dự án Khu Công nghiệp Nghi Sơn, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang) chuyển về PVN. Còn Vinalines sẽ tiếp nhận 1,2 triệu tấn tàu từ Vinashin. "PVN và Vinalines là các doanh nghiệp Nhà nước, phải có trách nhiệm cùng gánh vác để giải quyết khó khăn chung", ông Muôn nói.

Hiện tổng tài sản của Vinashin là 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng, tổng dư nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. "Sau tái cơ cấu các khoản nợ liên quan vẫn phải chuyển về các đơn vị tiếp nhận. Số nợ chuyển sang PVN và Vinalines khoảng 20.000 tỷ đồng", ông Muôn nói.

Vấn đề dư luận quan tâm sau quyết định tái cơ cấu Vinashin là khả năng trả nợ nước ngoài. Vinashin được Chính phủ bảo lãnh vay vốn quốc tế thông qua phát hành trái phiếu với số tiền tương đương 750 triệu USD. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho hay, số tiền vay 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, đến năm 2012, Vinashin mới trả nợ xong. Vinashin vẫn đang trả nợ bình thường.

Ông Muôn khẳng định, sau khủng hoảng năm 2008, Việt Nam là một trong số ít các nước có nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững. Từ năm 2005 đến 2007, Vinashin vẫn hoạt động tốt và thu hút được 166 hợp đồng có giá trị 5-6 tỷ USD. Đến năm 2008, do khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước cắt giảm hợp đồng, Vianshin rơi vào tình cảnh khó khăn.

Chính phủ khẳng định, việc tái cơ cấu không phải để giảm nợ cho Vinashin mà chủ yếu để thực hiện 4 mục tiêu. Duy trì, phát triển công nghiệp đóng tàu, sửa chữa tàu biển. Sử dụng có hiệu quả năng lực cơ sở vật chất để phát triển công nghiệp đóng tàu. Đặc biệt không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các tổ chức tính dụng. Và đặc biệt đảm bảo việc làm cho người lao động.

Theo ông Muôn, qua vụ việc Vinashin, Chính phủ rút ra kinh nghiệm, cần phải giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Bởi thực tế có trường hợp khi mua tàu về đến cảng, các bộ ban ngành mới biết. Các bộ ngành vẫn chưa giám sát chặt chẽ. "Vấn đề đặt ra là, Chính phủ trao quyền, phân cấp cho các bộ ban ngành song vẫn phải giám sát chặt chẽ hơn. Mặc dù tin tưởng vào doanh nghiệp song vẫn phải đẩy mạnh kiểm tra", ông Muôn nhấn mạnh.

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu NVM
Ông Phạm Viết Muôn. Ảnh N.M.
Ông Muôn khẳng định, việc tái cơ cấu Vinashin sẽ không ảnh hưởng đến quá trình thanh tra dự án. Trước đó, Thanh tra Chính phủ dự kiến sẽ tập trung xem xét hiệu quả của việc mua sắm thiết bị ở Vinashin, xem xét tình hình tài chính của tập đoàn này, kể cả các khoản vay nợ. Nhiều người lo ngại, quá trình tái cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến việc thanh tra tập đoàn đầu ngành về tàu thủy này. Tuy nhiên, ông Muôn khẳng định, việc thanh tra là theo kế hoạch từ trước. "Ở đâu sai phạm sai phạm ở đó có xử lý. Thanh tra chỉ ra tồn tại và cách khắc phục để Vinashin tốt hơn", ông Muôn nói.

Chính phủ khẳng định, sau Vinashin sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhà nước buộc phải tái cơ cấu, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo, thị trường điện lực cần phát triển cạnh tranh. Tuy nhiên, tái cơ cấu của EVN sẽ không giống như Vinashin mà chủ yếu theo kiểu tổ chức lại. Theo đó, có thể hình thành các tổng công ty điện lực ở các miền Bắc, Trung, Nam.
Bố già
Bố già
Admin

Tổng số bài gửi : 2257
Điểm kinh nghiệm : 2916
Ngày tham gia : 18/03/2010
Nơi làm việc : Vietsovpetro
Đến từ : Hà Tĩnh

http://www.dieukhientaubien.net/

Về Đầu Trang Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Vinashin choáng váng với án kỷ luật chủ tịch

Bài gửi by Bố già Sun Jul 11, 2010 9:52 pm

Trả lời VnExpress chiều 7/7, Tổng giám đốc điều hành Vinashin Trần Quang Vũ thừa nhận sai lầm khó tha thứ của tập đoàn, song cho biết ban lãnh đạo không ngờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại nặng nề đến vậy.

Sau nhiều năm gắn bó với ngành công nghiệp tàu thủy, ông Vũ chính thức nhận nhiệm vụ điều hành tập đoàn vào đầu tháng 7, khi Vinashin vừa quyết định tái cơ cấu và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình. Thời gian dành để trả lời phỏng vấn báo chí chiếm một phần không nhỏ trong vài ngày lên nắm quyền của ông.

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Mr-Vu-2
CEO Vinashin Trần Quang Vũ: "Kết luận của Ủy ban Kiểm tra nặng nề". Ảnh: H.L.

- Các cơ quan chức năng kết luận Vinashin đã đầu tư quá dàn trải, yếu kém trong quản lý dự án, công nợ, dòng tiền. Bản thân Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Thanh Bình bị đề nghị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm trong huy động và sử dụng vốn Nhà nước, đẩy tập đoàn đến bờ vực phá sản. Tập đoàn thấy các kết luận này thế nào?

- Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỉ được thông tin qua báo chí. Nhưng cán bộ công nhân viên chúng tôi rất buồn. Bắt đầu từ con số 0 trong ngành đóng tàu, anh Bình đã tạo ra Vinashin như ngày hôm nay, có thể đóng được những con tàu lớn hiện đại. Chúng tôi hết sức kính trọng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm từ mấy tháng nay, chúng tôi có biết việc này. Nhưng việc kết luận đưa ra khiến chúng tôi hết sức choáng váng. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về những điều mà Ủy ban nêu lên và quả thật nó nặng nề với cá nhân chủ tịch của chúng tôi. Tuy nhiên ban lãnh đạo xác định kiểm tra và thanh tra là công việc thường nhật phải làm, đặc biệt với những nơi có vấn đề bất ổn. Chúng tôi đón nhận kết luận này và khi được thông báo chính thức, Chủ tịch Phạm Thanh Bình chắc chắn có buổi giải trình kiểm điểm trước đảng ủy tập đoàn, đảng ủy khối.

- Theo ông đầu tư dàn trải, đầu tư ra ngoài ngành có phải là nguyên nhân chính gây khó khăn cho Vinashin?

- Đó cũng là một nguyên nhân, nhưng cần nhìn một cách sâu sắc hơn. Ngành công nghiệp tàu thủy phát triển từ những cơ sở rất lạc hậu, chỉ có khả năng đóng những con tàu 3.000-5.000 tấn. Vinashin bắt đầu từ Tổng công ty công nghiệp Tàu thủy và sáp nhập một số đơn vị về với số vốn ít ỏi 400 tỷ đồng. Và thực chất Vinashin phát triển trên nền tảng chỉ là tổ hợp đóng tàu, chứ chưa tự sản xuất vật tư thiết bị đóng tàu, tất cả đều phải nhập. Mặt khác, toàn bộ vốn đầu tư của Vinashin chủ yếu đi vay, với lãi suất kém ưu đãi.

Khi Vinashin bắt đầu đóng tàu thì thị trường rất tốt, tàu tranh nhau đóng, các đơn đặt hàng rất nhiều. Đỉnh điểm có lúc chúng tôi ký được trên 5 tỷ USD đơn hàng, thậm chí 10 tỷ USD. Điều đó tạo cho chúng tôi một tham vọng lớn là nhanh chóng xây dựng Vinashin thực sự mạnh, cạnh tranh với thế giới, có các nhà máy hiện đại và sản xuất được 70% thiết bị đóng tàu.

Vinashin đã thành công trong 2 đợt phát hành trái phiếu liên tiếp 750 triệu, rồi 600 triệu USD. Và còn lên kế hoạch phát hành 2-3 tỷ USD cho năm 2008-2009 để phục vụ các dự án đóng tàu. Khi tiền về, chưa thể giải ngân hết cho đóng tàu, chẳng lẽ lại đem gửi ngân hàng lấy lãi trả nước ngoài. Chúng tôi có quyết định táo bạo là cắt một phần vốn đóng tàu để phát triển hạ tầng và xây các nhà máy sản xuất vật tư, mở khu công nghiệp, hoàn thành thủ tục lấy đất đai, với hy vọng đến 2008-2009 phát hành thêm trái phiếu, có tiền bù đắp trở lại cho đóng tàu.

Nhưng không may khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, chúng tôi không huy động được vốn. Không có vốn mới để bù đắp cho các dự án đóng tàu. Trong khi vốn đóng tàu được mượn tạm cho các dự án, nhưng dự án dậm chân tại chỗ. Các dự án cứ nằm đó, lãi vay vẫn phải trả, lại nuôi bộ máy trông nom nó. Trong khi tàu cũng không có vốn để đóng, chậm bàn giao, không có nguồn thu. Hai cú này khiến chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn. Và chúng tôi chảy máu rất mạnh trong hai năm vừa rồi.

- Nhưng ngoài dự án phục vụ cho công nghiệp đóng tàu, Vinashin còn đầu tư bất động sản, tài chính?

- Khi thị trường khởi phát, rất nhiều ngành nghề nhìn thấy lợi nhuận, kích thích người kinh doanh. Thật ra bất cứ ai cũng thế thôi, không chỉ riêng chúng tôi là doanh nghiệp, và khi thị trường đổ rất nhiều người chết dở. Nhưng số vốn đầu tư ra ngoài ngành của chúng tôi không nhiều, chỉ 6-7% trong tổng tài sản hơn 90.000 tỷ đồng.

- Vậy đâu là nguyên nhân chính đẩy Vinashin tới cơ sự như ngày hôm nay?

- Công tác quản lý có những bất cập, đây là nguyên nhân rất quan trọng. Nhiệm vụ của Chính phủ rõ ràng và khả thi, nhưng chúng tôi thực hiện còn yếu kém. Chúng tôi đang phân tích rất nghiêm túc. Lúc đó chúng tôi chỉ chú trọng tới vấn đề ký hợp đồng, mà không để ý tới quản lý hệ thống. Các cơ sở của chúng tôi lúc đầu mới hình thành, việc quan hệ với nước ngoài, ký hợp đồng, cung cấp vật tư họ đều hạn chế, tập đoàn phải làm thay cho họ trong một thời gian tương đối dài. Đây là vấn đề bất cập dẫn đến các tàu bị chậm và trục trặc trong hệ thống. Mặt khác, quản lý và phân công phân nhiệm cũng như nâng cao tính trách nhiệm trong các cấp từ trên xuống dưới, chúng tôi làm chưa tốt. Vấn đề này tôi cho là nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới khó khăn của Vinashin như hiện nay.

- Bắt đầu từ lúc nào Vinashin cảm nhận được khó khăn đang đến với mình và vào thời điểm đó Vinashin đã làm gì để giải quyết?

- Mấy hôm nay anh Bình rất mệt, tôi chưa tham vấn anh ấy điều này. Nhưng một số người trong ban lãnh đạo chúng tôi đã cảm nhận câu chuyện này từ năm 2007. Tại hội nghị tổng kết 2007, đã có những ý kiến đề nghị tăng cường quản lý, thậm chí thay đổi phương pháp quản lý.

Đến 2008, có nhiều ý kiến tranh luận về mô hình quản lý và đỉnh điểm của nó là cuối 2008 đầu 2009, đã có những tranh luận gay gắt. Một bên vẫn tham vọng mở ra, bởi cho rằng nếu thị trường ổn định trở lại, tiền huy động được thì lấy dự án đâu ra mà làm. Một đằng cho rằng mình đang mất uy tín, ai cho vay nữa, nên bán nhanh đi để co cụm tập trung cho sản xuất chính.

Đáng ra phải quyết định ngay từ 2008, nhưng chúng tôi suy nghĩ quá dài, tôn trọng ý kiến của nhau quá lâu, dẫn đến đầu 2010 mới quyết định bán tất cả các tài sản không cần thiết, tập trung lại cho sản xuất chính. Nhưng lúc đó nó đã trở nên hơi muộn.

- Nhưng thực tế từ giữa năm ngoái, vấn đề nợ của Vinashin đã được Quốc hội nêu lên, dư luận lo lắng, thậm chí đối tác kéo đến đòi nợ ngay trước trụ sở. Tại sao Vinashin không nhìn nhận nghiêm túc ngay từ lúc đó để có biện pháp kịp thời?

- Lúc đó chúng tôi vẫn hy vọng thị trường ấm trở lại và có thể huy động được vốn. Đó là nguyên nhân chính chúng tôi không ra tay.

- Tại sao Vinashin không báo cáo Chính phủ cũng như các cơ quan để cùng tìm giải pháp? Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Vinashin đã không báo cáo trung thực về những khó khăn tài chính cũng như hoạt động đầu tư?

- Thường thì doanh nghiệp báo cáo lên rất ít khi đầy đủ. Và cũng có thể có những vấn đề tế nhị chưa giải quyết được, hay vướng mắc mà chưa muốn báo cáo. Ủy ban cho rằng vấn đề đó là báo cáo không trung thực thì cũng có phần đúng.

Việc có báo cáo hay không, tôi chưa rõ, vì mới nhận bàn giao. Nhưng tôi cảm nhận là các đồng chí lãnh đạo lúc đó đã lo lắng nhưng vẫn chờ cơ hội thị trường tài chính phục hồi để thực hiện tham vọng của mình. Cuối cùng chúng tôi đã không gượng dậy nổi. Biết thế thì lúc đó chúng tôi thà mất mặt một tí, xấu hổ một tí và chấp nhận thua cuộc trong ngắn hạn, giải quyết nhanh từ đầu 2008 thì chắc chắn không có vấn đề gì.

- Vinashin có tâm phục khẩu phục với yêu cầu tái cơ cấu, khi phải chuyển giao cả những dự án thuộc ngành nghề chính của mình?

- Tôi thấy hết sức bình thường. Bất cứ một cơ sở sản xuất nào cũng phải tự điều chỉnh theo thời tiết của thị trường, tình hình chính trị và kể cả việc thay đổi nhân sự cao cấp. Khi Chính phủ quyết định, Petrovietnam và Vinalines đều là các tập đoàn của nhà nước, tài sản của nhà nước chuyển giao, thì các tập đoàn cũng không nên vì lợi ích cục bộ của mình.

Việc chuyển giao được thực hiện trên nguyên tắc Vinashin giảm bớt dự án dở dang và giảm bớt dự án, công ty không thuộc ngành nghề của mình, làm cho Vinashin nhẹ nhàng đi để có thể di chuyển được. Riêng nhà máy đóng tàu Dung Quất, Vinashin từng kỳ vọng rất nhiều sẽ trở thành nhà máy lớn nhất Đông Nam Á, có thể đóng loại tàu 500.000 tấn, lớn nhất thế giới. Nhưng nó đang trong quá trình xây dựng. Để hoàn thiện Vinashin cần một lượng tiền rất lớn chưa kể nguồn vốn để đóng tàu mà chủ yếu là tàu trên 100.000 tấn cho tới 350.000 tấn. Mỗi tàu 100.000 tấn là 100 triệu USD, tàu 350.000 tấn là hơn 200 triệu USD. Với tình hình hiện nay chúng tôi thừa nhận chưa thể đủ lực để đầu tư tiếp. Trong khi Tập đoàn Dầu khí đang phải đặt nước ngoài đóng tàu lớn, chúng tôi cho rằng họ có tiềm lực và có nhu cầu.

- Vậy hướng đi sắp tới cho phần còn lại của Vinashin là gì?

- Vinashin hoàn toàn không mất đi sức mạnh như mọi người suy nghĩ. Việc chuyển giao các dự án chỉ là giảm lượng mỡ dư thừa để chúng tôi đi nhanh hơn.

Chính phủ đang yêu cầu chúng tôi điều chỉnh chiến lược và việc này sẽ hoàn tất trong hai tháng nữa. Chúng tôi sẽ tập trung vào các lĩnh vực đóng tàu, sửa chữa tàu, chế tạo các thiết bị cho ngành công nghiệp tàu thủy. Vinashin tiếp tục rà soát những gì không cần thiết và tập trung lực để thúc đẩy những vùng trọng điểm.

Trước hết chúng tôi phải đảm bảo đời sống cán bộ nhân viên, tiếp tục duy trì sản xuất để tạo nguồn thu. Và chúng tôi phải thanh toán công nợ, giảm bớt tiến tới chấm dứt nợ với các nhà thầu, các nhà cung cấp vật tư. Chúng tôi nợ họ lâu quá, chúng tôi lấy làm tiếc vì việc này làm cho họ rất khó khăn.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, tất nhiên cần phân tích nghiêm túc và kiểm điểm các tồn tại để lược bỏ nó và xây dựng lại hệ thống quản lý. Nhưng chúng tôi không quá tự ti khi rơi vào tình cảnh hiện nay, bởi chúng tôi có trình độ, có tay nghề và được các chủ tàu biết đến. Và điều quan trọng nhất chúng tôi hiểu rằng không nên dựa dẫm, mà phải đứng lên đi bằng đôi chân của mình.

- Hoạt động của Vinashin chủ yếu dựa vào vốn đi vay, ông có tin ngân hàng và các nhà cho vay tiếp tục cấp vốn cho tập đoàn sau cú ngã ngựa vừa qua?

- Chúng tôi đang mất uy tín, các ngân hàng không cho vay. Chúng tôi phải làm lại từ đầu và điều quan trọng nhất là phải bắt đầu xây dựng lòng tin, không có lòng tin là mất hết. Phải bắt đầu ngay từ lúc này, dũng cảm làm việc, nhìn nhận khuyết điểm, xây dựng lại hệ thống, hoạt động rõ ràng, minh bạch. Không hy vọng lấy lại niềm tin ngay lập tức, điều đó là không khả thi. Mà phải bắt đầu bằng hành động của mình, bằng cam kết của ban lãnh đạo và thái độ làm việc của mọi người. Và chúng tôi tin rằng một ngày nào đó chúng tôi sẽ lấy lại niềm tin.

- Vinashin đang nợ 750 triệu USD tiền trái phiếu quốc tế phát hành dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Khoản nợ này sẽ trả thế nào sau quá trình tái cơ cấu?

- Chúng tôi đang rất quan tâm đến khoản nợ đó. Các nguồn thu chủ yếu như những gì đầu tư vào khoản tiền đó sẽ được chúng tôi bán hoặc sang nhượng để thu hồi vốn về. Chúng tôi sẽ dùng tiền thu về từ việc sang nhượng công ty để tập trung các dự án dở dang. Có những tàu khoảng 1 tỷ USD chúng tôi chỉ còn thiếu 300- 400 triệu USD là có thể hoàn thành. Chúng tôi tập trung hoàn thành để giao tàu cho đối tác và lấy khoản tiền đó để trả nợ. Tất nhiên, cần thời gian để có thể cân đối lại nguồn vốn cho thật khả thi.

- Từ hôm có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Phạm Thanh Bình đã báo cáo gì với ban lãnh đạo tập đoàn?

- Ban lãnh đạo chưa nhận được thông báo chính thức của Ủy ban. Tuy nhiên, Chủ tịch Bình cũng đã trao đổi với chúng tôi là nghiêm túc chấp nhận các quyết định của Đảng và Nhà nước. Dĩ nhiên là anh ấy rất buồn, nhưng anh ấy vẫn làm việc muộn và đến các cơ sở.

- Vinashin có cơ cấu một không hai, Chủ tịch HĐQT đồng thời là Tổng giám đốc. Sau này Vianshin có tới 6 Tổng giám đốc song quyền lực thực tế lại do ông Phạm Thanh bình nắm giữ. Vậy thực hư chuyện này ra sao thưa ông?

- Tôi cho rằng đây là một mô hình thí điểm. Chủ tịch HĐQT chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn lại 6 anh em chúng tôi là các tổng giám đốc điều hành. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo mô hình thí điểm. Tôi nhấn mạnh đây là mô hình thí điểm. Trong giai đoạn đầu, mô hình này đạt kết quả rất tốt. Hãy bình tĩnh nhớ lại khi Vinashin đóng tàu 6.500 tấn, tất cả dư luận đều cho rằng chúng tôi không làm được. Với mô hình thí điểm này, Chủ tịch của chúng tôi ra quyết định sẽ đóng tàu 6.500 tấn và thành công. Về sau, mô hình này mới gặp nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Hiện nay chúng tôi cũng bắt đầu điều chỉnh lại. Sẽ có hội đồng quản lý hoạt động chuyên biệt và không kiêm nghiệm. Dưới là ban điều hành hoạt động theo pháp luật.

- Cá nhân ông đánh giá thế nào về công và tội của ông Bình với Vinashin?

- Về công thì tôi cho rằng với những năm tháng khởi đầu khó khăn như vậy, không có anh Bình sẽ không có Vinashin. Còn về tội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và sắp tới là cơ quan thanh tra sẽ phân định rõ ràng.

- Về phần mình, được giao chèo lái Vinashin khi con tàu này đang mắc cạn, cảm giác của ông thế nào?

- Tôi cho rằng Vinashin đang gặp nhiều vấn đề. Ngoài Chủ tịch Phạm Thanh Bình, chúng tôi đều có khuyết điểm. Tôi được anh Bình giao trách nhiệm điều hành doanh nghiệp, trước mắt làm thế nào để bình ổn tập đoàn, sau đó xây dựng chiến lược phát triển. Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó lấy lại tên tuổi cho Vinashin. Nhưng chúng tôi cũng cảm giác không quá nặng nề.

Việc làm kiểm điểm là đương nhiên, bản thân tôi cũng đang viết kiểm điểm theo yêu cầu của Thủ tướng. Nhưng chúng tôi tâm niệm còn điều hành ngày nào chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện vừa qua và phải làm hết sức mình.

Tôi nghĩ mình cũng có lỗi và chấp nhận mọi hình thức xử lý kỷ luật mà không phàn nàn điều gì. Vì nếu tôi là cán bộ, tại sao tôi không quyết liệt can ngăn anh Bình để không cho điều đó xảy ra.
Bố già
Bố già
Admin

Tổng số bài gửi : 2257
Điểm kinh nghiệm : 2916
Ngày tham gia : 18/03/2010
Nơi làm việc : Vietsovpetro
Đến từ : Hà Tĩnh

http://www.dieukhientaubien.net/

Về Đầu Trang Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Thanh tra Vinashin trong 75 ngày

Bài gửi by Bố già Sun Jul 11, 2010 9:53 pm

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho hay cơ quan này sẽ thanh tra toàn diện Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) trong vòng 75 ngày.

Theo thông báo của Thanh tra Chính phủ, việc thanh tra Vinashin nằm trong kế hoạch thanh tra thường niên của cơ quan này và lẽ ra phải tiến hành từ năm 2009. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên Thủ tướng đã chấp thuận lùi thanh tra một số tập đoàn, tổng công ty sang năm 2010.

Ông Trần Quang Vũ, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Vinashin cho rằng việc thanh tra, kiểm tra là bình thường và cần thiết. Ông hy vọng trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ mau chóng vượt qua khó khăn, sớm ổn định tình hình sản xuất và kinh doanh.

"Mỗi người trong ban lãnh đạo chúng tôi sẽ luôn luôn cầu thị và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của cơ quan chức năng. Trách nhiệm đến đâu chúng tôi chịu đến đấy. Ai sai người đó phải chịu. Tập thể sai, tập thể phải xử lý, cá nhân sai cá nhân phải chịu trách nhiệm", ông Vũ trao đổi với VnExpress.net.

Quyết định thanh tra Vinashin được đưa ra trong bối cảnh Vinashin phải tái cơ cấu theo hướng chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Hiện tổng tài sản của Vinashin là 90.000 tỷ đồng, vốn điều lệ khoảng 9.000 tỷ đồng, tổng dư nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. Sau tái cơ cấu các khoản nợ liên quan vẫn phải chuyển về các đơn vị tiếp nhận. Số nợ chuyển sang PVN và Vinalines khoảng 20.000 tỷ đồng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đầu tuần này đã đề nghị kỷ luật Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin Phạm Thanh Bình vì thiếu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước, đẩy tập đoàn đến bên bờ phá sản. Ủy ban cũng cho rằng tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ về những khó khăn tài chính của mình. Tập đoàn đã lập gần 200 công ty con không đủ năng lực sản xuất kinh doanh, đầu tư dàn trải và đầu tư ngoài ngành, mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tổng giám đốc Vinashin Trần Quang Vũ thừa nhận việc lập 200 công ty con là sai lầm, do nóng vội muốn mở rộng quy mô tập đoàn. Hầu hết các công ty này được thành lập trong hai năm 2006-2007, nhưng hoạt động kém hiệu quả và việc kiểm soát của tập đoàn đối với các doanh nghiệp này cũng lỏng lẻo.

"Đây cũng là một vấn đề làm cho chúng tôi khó khăn như ngày hôm nay. Tham vọng bao giờ cũng vội vàng", ông Vũ nói.
Bố già
Bố già
Admin

Tổng số bài gửi : 2257
Điểm kinh nghiệm : 2916
Ngày tham gia : 18/03/2010
Nơi làm việc : Vietsovpetro
Đến từ : Hà Tĩnh

http://www.dieukhientaubien.net/

Về Đầu Trang Go down

Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu Empty Re: Tập đoàn Vinashin phải tái cơ cấu

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết